Viêm loét dạ dày chính là tình trạng tổn thương niêm mạc do nhiều nguyên nhân khiến cho niêm mạc bị phù nề sung huyết kèm theo có sự thâm nhiễm các tế bào viêm.
1. Viêm loét dạ dày tá tràng là gì?
Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng tổn thương niêm mạc bởi nhiều nguyên nhân đặc trưng của tổn thương là niêm mạc phù nề sung huyết kèm theo có sự thâm nhiễm các tế bào viêm. Loét xảy ra khi tổn thương sâu qua lớp niêm mạc xuống lớp dưới niêm mạc, đôi khi loét sâu tới lớp cơ, có thể gây thủng dạ dày tá tràng hoặc chảy máu tiêu hóa.
2. Viêm loét dạ dày tá tràng có triệu chứng và biến chứng nguy hiểm gì?
Một số ít người có viêm viêm loét nhưng không có triệu chứng. Triệu chứng điển hình của viêm loét như sau: Đau thượng vị: Đau liên tục vùng thượng vị có tính chất rát bỏng, ăn vào đau tăng hoặc đau khi đói (điển hình của viêm loét tá tràng) kèm theo có buồn nôn, ợ chua, cảm giác đầy bụng chậm tiêu cũng hay xảy ra. Nếu bạn có triệu chứng như trên thì cần đi khám tại cơ sở y tế ngay bởi vì viêm loét dạ dày có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày tá tràng, nếu để lâu không điều trị có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
Loét xảy ra khi tổn thương sâu qua lớp niêm mạc xuống lớp dưới niêm mạc, đôi khi loét sâu tới lớp cơ, có thể gây thủng dạ dày tá tràng hoặc chảy máu tiêu hóa.
3. Nguyên nhân của viêm loét dạ dày là gi?
Do nhiều nguyên nhân:
Nguyên nhân thường gặp nhất là do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori- chiếm 70-80%) nếu viêm loét dạ dày tá tràng do HP thì cần tiệt trừ theo phác đồ vì nếu để lâu thì dẫn đến viêm loét dạ dày mạn tính và có thể gây ung thư dạ dày.
Nguyên nhân tiếp theo là do thuốc: Các thuốc giảm đau chống viêm không steroid(NSAIDs) như: Aspirin, Ibuprofen, vv. Vì điều này nên các thuốc trên không dùng cho bệnh nhân đang viêm loét dạ dày tiến triển hoặc dùng phải theo dõi bởi bác sỹ chuyên khoa.
Các nguyên nhân ít gặp hơn: Do chế độ ăn uống nhiều bia rượu, do thần kinh (Stress), do các bệnh rối loạn chuyển hóa, nội tiết.
4. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày tá tràng?
Thầy thuốc sẽ căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng như đau vùng thượng vị, ợ chua vv.. tiền sử bệnh và các xét nghiệm, chụp XQ dạ dày tá tràng, nội soi dạ dày tá tràng là công cụ chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng tốt nhất.
5. Điều trị bệnh
Chế độ ăn uống sinh hoạt: Cho đến nay, việc thực hiện chế độ ăn uống gồm các thức ăn mềm, không gia vị, nhiều trái cây không ích gì cho việc làm lành ổ loét, cũng như chế độ ăn sữa và kem cũng không làm cho tình trạng loét xấu hơn. Do đó tốt nhất bệnh nhân nên tránh những thức ăn nào gây đau hơn hoặc gây rối loạn tiêu hóa xấu hơn, đồng thời bệnh nhân phải kiêng cà phê, thuốc lá và rượu. Không dùng thuốc giảm đau NSADs.
Thuốc: Điều trị diệt HP (Nếu viêm loét do HP), thông thường uống kháng sinh kết hợp với thuôc ức chế tiết acid dịch vị trong 1-2 tuần, bên cạnh đó có thể cho thêm các thuốc tăng tiết dịch nhầy (Mucosta), thuốc bao bọc niêm mạc (Gastropulgite), việc điều trị cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị. Nếu viêm loét do thuốc thì ngưng thuốc hoặc chuyển đổi thuốc khác là một yêu cầu bắt buộc.
6. Phòng ngừa viêm loét dạ dày – tá tràng
Để phòng ngừa có hiệu quả thì hạn chế uống bia rượu, không hút thuốc lá, tránh strees về tinh thần, uống thuốc nên theo chỉ dẫn của bác sỹ.
Phát hiện vi khuẩn HP: có nhiều phương pháp như: Test thở (UB test), test huyết thanh, test Urease, làm mô bệnh học, nuôi cấy vv… Chỉ định diệt HP sẽ do bác sỹ chuyên khoa chỉ định và theo dõi hiệu quả điều trị, tuyệt đối bạn không nên tự mua thuốc về điều trị, điều này có thể gia tăng tình trạng kháng thuốc của HP. Để phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn HP từ người này sang người khác không nên dùng chung bát đũa, bát đũa phải được rửa sạch, phơi khô.