Thị trường đã cho thấy tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, đáng quan ngại như có dấu hiệu phát triển nóng ở phân khúc BĐS cao cấp.
Theo nghiên cứu của các công ty BĐS, bắt đầu tư năm 2013 đến nay, thị trường BĐS ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Bình Dương… đã có sự khởi sắc. Tuy nhiên, phải đến nửa cuối năm, thị trường BĐS, nhất là ở những phân khúc như chung cư trung cao cấp, văn phòng thương mại, BĐS công nghiệp mới thực sự sôi động cả ở hai chiều lượng hàng cung ứng ra trên thị trường và nhu cầu của người mua, thuê BĐS. Thậm chí, với sự gia tăng trở lại tương đối “nóng” trên thị trường, kéo theo hiện tượng làm giá, tăng giá ở một vài dự án, một số chuyên gia đã phải đưa ra lời cảnh báo sớm.
Chuyên gia bất động sản Địa Ốc Long Phát nhận định, thị trường đã cho thấy tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, đáng quan ngại như có dấu hiệu phát triển nóng ở phân khúc BĐS cao cấp. Đặc biệt, số lượng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, phần lớn nhằm mục đích mua đi bán lại sang tay kiếm lời tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch. Đây chính là yếu tố khiến cho thị trường vừa ấm lên đã bắt đầu chững lại vì giá cả rục rịch tăng khiến người mua khó tiếp cận với giá trị thực tế của BĐS.
Ngoài ra, về mặt chính sách, cũng có yếu tố bất cập do Luật Kinh doanh BĐS đã cho phép bên mua nhà có quyền chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ chưa được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua nhà trong trường hợp chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ. Nhưng có thể bị những người đầu cơ lợi dụng để bao chiếm nhiều nhà thu về lợi nhuận cao nhất. Điều này xét trên khía cạnh nào đó sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS trong vấn đề đầu cơ thổi giá.
Chuyên gia Long Phát đưa ra ví dụ cụ thể, nhà đầu tư mua 100 căn hộ, mỗi căn giá 2 tỷ đồng, tổng trị giá 200 tỷ đồng. Theo thông lệ thị trường, nhà đầu tư chỉ phải đặt cọc 10% tương đương 20 tỷ đồng, nhưng lại có quyền chuyển nhượng cả 100 căn hộ, nên người bán ban đầu (chủ đầu tư) cũng như người mua cuối cùng (người có nhu cầu sở hữu nhà ở thực sự) không gặp được nhau và giá cả đã bị “đội” lên một khúc ở giữa. Và thực tế, riêng đối với phân khúc chung cư căn hộ cao cấp tại nhiều dự án, giá bán tăng từ 5% đến trên dưới 15% so với năm 2014.
Bàn về vấn đề này, ông Marc Townsend, Giám đốc CBRE cho rằng, sau một thời gian dài thị trường BĐS bị khủng hoảng đóng băng, nhờ có sự điều chỉnh chính sách kịp thời của Nhà nước, các bộ, ngành, chính quyền địa phương và nỗ lực của các DN BĐS, cùng với sự đổi mới của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường BĐS đã phục hồi và trong quá trình tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn chưa quên bài học của bong bóng BĐS những năm 2007 – 2008, vì vậy thận trọng là điều nhắc nhở họ phải có những bước đi khôn ngoan hơn để xây dựng thị trường phát triển bền vững, thay vì xây lên rồi phá bỏ bởi chiêu thức đẩy giá trên thị trường khiến người mua mất niềm tin.