Dải đất hình chữ S Việt Nam có muôn vàn điểm đến hấp dẫn các phượt thủ, và một trong những mục tiêu khá nhiều bạn đặt ra cho mình, đó là chinh phục đủ 4 điểm cực: Đông, Tây, Nam, Bắc. Chính vì nằm rải rác ở 4 tỉnh thuộc cả 3 miền, nên mùa xuân ở những điểm cực này thật khác. Cùng Kenhdulich khám phá những điểm cực này vào mùa xuân tới nhé!
Mùa xuân ở 4 điểm cực có gì thú vị? – Ảnh: Mai Danh Hảo
1. CỰC BẮC – LŨNG CÚ, HÀ GIANG
Nằm tại tỉnh Hà Giang – điểm đến vô cùng hấp dẫn với phượt thủ ba miền, Lũng Cú là tên một xã thuộc huyện Đồng Văn và cũng là tên của cột cờ vĩ đại nằm trên đỉnh cao nguyên Đồng Văn được coi là điểm cực Bắc của Việt Nam. Lũng Cú nằm ở khu vực có độ cao từ 1600m đến 1800m trên mực nước biển, bao gồm 9 thôn bản là nơi sinh sống của người Mông, Lô Lô, Tày, Pu Péo.
Lũng Cú thuộc huyện Đồng Văn, Hà Giang – Ảnh: wanderlusttips
Lũng Cú có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, khi vào mùa đông thời tiết rất lạnh và thỉnh thoảng có tuyết rơi. Xuân ở Lũng Cú được tính theo Tết Nguyên Đán của người Việt, khi những cây hoa gạo trổ bông, nước nhuộm màu xanh biếc những dòng sông, cao nguyên đá bừng lên sức sống trong cái nắng nhẹ của mùa xuân.
Cây gạo trổ bông – Ảnh: Mai Danh Hảo
Bia đá Lũng Cú – Ảnh: ngan.boss
Điểm cực Bắc Lũng Cú được biết tới với cột cờ Lũng Cú cao hơn 33m, nơi đặt lá cờ Tổ quốc có diện tích 54m2 nổi bật trên nền trời xanh thẳm. Ngoài ra, còn có một bia đá phía chân cột cờ nêu rõ lịch sử của Cột cờ Lũng Cú huyền thoại này. Hà Giang là một điểm hiếm có đẹp cả bốn mùa, vì thế xuân đến càng là thời điểm thích hợp để tận hưởng tiết trời trong trẻo, mát lành và đón những cành lộc xuân mơn mởn xanh tươi.
Lũng Cú qua góc nhìn flycam – Ảnh: Ryan Daring
2. CỰC TÂY – APACHAI, ĐIỆN BIÊN
Trước đây, việc chinh phục cực Tây là cả một hành trình dài khó khăn, bởi khi đó đường đi tới A Pa Chải chỉ nghĩ đến thôi đã cảm thấy e ngại. Đó là 500km từ Hà Nội tới TP Điện Biên Phủ, thêm 260km quanh co đường núi đá lổn nhổn tới xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé rồi vượt đèo núi tới đồn biên phòng 317. May mắn trời khô thì cố gắng, nhưng trời mưa, thì còn phải cố gắng nhiều lần.
Cảnh quan mùa xuân trên đường đi A Pa Chải – Ảnh: Heo Bờ Rồ
Tuy nhiên đó chỉ là câu chuyện của các phượt thủ cách đây 3 năm về trước, hiện giờ đường tới A Pa Chải đã tương đối dễ đi, tới đồn biên phòng, đăng ký và theo một anh bộ đội dẫn đường chỉ chừng 2 tiếng đồng hồ trekking là tới được điểm cực Tây.
Đồn biên phòng A Pa Chải – Ảnh: Võ Duy Tùng
Điểm cực Tây này còn được gọi là cột mốc số 0 (không số) có tọa độ 22°23”53″N 102°8”51″E, là ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc được 3 quốc gia thống nhất cắm mốc vào ngày 27/6/2005. Cột mốc được làm bằng đá granit, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông diện tích 5x5m, cột cao 2 mét có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia, thể hiện chủ quyền dân tộc.
Cảnh vật mờ ảo – Ảnh: Heo Bờ Rồ
Leo A Pa Chải mùa xuân, tức cũng là mùa khô của vùng Tây Bắc này, bạn sẽ được ngắm núi non của cả đất nước Trung Hoa giàu mạnh, ngắm mây trời và những đồi cỏ lau lút mặt người. Thỉnh thoảng, mây bồng bềnh xen phủ khắp chốn, sương mờ lùa vào những đám cây rêu phong rậm rạp sẽ khiến hành trình tới cực Tây của Việt Nam vào mùa xuân thật muôn phần thú vị.
A Pa Chải – nơi con gà gáy cả ba nước cùng nghe – Ảnh: Sun Lee
3. CỰC ĐÔNG – MŨI ĐÔI, KHÁNH HÒA
Mũi Đôi tại bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam. Nơi đón ánh Mặt Trời đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam (Đông Dương và cả Đông Nam Á lục địa). Nơi này đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia, được đặt một chóp tam giác nhỏ ghi rõ tên và tọa độ.
Đường vào Đầm Môn đi chinh phục Mũi Đôi – Ảnh: Jay Walker
Băng qua đồi cát – Ảnh: Jay Walker
Nằm ở miền Trung nắng gió, sở hữu đường bờ biển đẹp và biển trong xanh, bờ cát trắng khiến cho hành trình chinh phục cực Đông rất hấp dẫn các bạn trẻ vào mùa hè. Thế nhưng, không phải vì thế mà mùa xuân nơi đây lại kém đi vẻ đẹp vốn có. Ngược lại, sự quyến rũ của vùng biển mùa xuân cũng như điều kiện khí hậu hiền hòa, không quá nắng nóng như mùa hè lại khiến Mũi Đôi nằm trong lựa chọn của các phượt thủ mỗi độ xuân về.
Nhóm bạn chinh phục Mũi Đôi – Ảnh: Jay Walker
Những tia nắng đầu tiên trên mảnh đất Việt Nam – Ảnh: Jay Walker
4. CỰC NAM – ĐẤT MŨI, CÀ MAU
Mũi Cà Mau (còn được gọi là Mũi Bãi Bùng) hướng về phía tây, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km. Bên trái mũi là biển Đông, bên phải là biển Tây, tức Vịnh Thái Lan. Sau nhiều tranh cãi, Mũi Cà Mau vẫn thường được coi là điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam.
Biểu tượng Mũi Cà Mau – Ảnh: Sưu Tầm
Mốc tọa độ quốc gia – Ảnh: Sưu tầm
Để tới được Mũi Cà Mau – nơi có đặt mốc tọa độ và biểu tượng Mũi Cà Mau, bạn phải mất chừng 1 giờ đồng hồ đi thuyền máy tới. Tại đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú, mùa xuân miền sông nước sẽ giúp bạn chiêm ngưỡng những vẻ đẹp vốn có của vùng đất cực Nam thiêng liêng trên bản đồ Việt Nam.
Hệ sinh thái đa dạng vùng Đất Mũi – Ảnh: Thanh Dũng
Có thể nói, bốn điểm cực của Việt Nam đã thể hiện những gì thiêng liêng nhất về chủ quyền lãnh thổ mà bao đời nay dân tộc Việt luôn gìn giữ. Mùa xuân tới, 4 điểm cực tại 3 miền đất ruột thịt lại có những vẻ đẹp khác biệt, nhưng vẫn tựu chung về một mùa xuân – mùa xuân của đất nước yên bình, tươi đẹp.
Nguồn: Theo Hoa Cát – Mytour.vn