Đa số du khách nước ngoài sẽ dùng lời lẽ “có cánh” về Việt Nam, rằng họ thật sự bị mê hoặc bởi thiên nhiên tươi đẹp, họ rất yêu mến con người thân thiện nơi đây,… và chắc chắn sẽ quay trở lại khi có dịp. Tuy nhiên, Matt Kepnes – một blogger nổi tiếng về du lịch người Mỹ – lại không có cùng quan điểm đó. Bài viết của anh đã nhận được nhiều bình luận trái chiều trên tờ Huffington Post, khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Matt Kepnes là một blogger du lịch nổi tiếng
1.
“Khi du ngoạn xuyên vùng Đông Nam Á, bạn thường xuyên được hỏi rằng sẽ đi đâu. “Tất cả mọi nơi”, tôi nói với mọi người như thế. Nhưng, tôi sẽ bỏ qua Việt Nam.
Sau những kinh nghiệm mà tôi đã có được ở đất nước này vào năm 2007, tôi sẽ không bao giờ quay trở lại đó nữa. Không, không, và không bao giờ. Có thể, một cuộc làm ăn hay một cô bạn gái sẽ buộc tôi phải đến đó trong tương lai. Nhưng trong một thời gian dài sắp tới, tôi sẽ không đặt chân xuống vùng đất đó.
2.
Chẳng ai mong muốn trở lại một nơi mà họ bị đối xử tệ.
Khi tôi ở Việt Nam, tôi đã luôn cảm thấy thật phiền toái, thật đắt đỏ, bị lừa gạt và bị đối xử không công bằng. Chẳng bao giờ tôi cảm thấy mình được chào đón. Tôi đã gặp một người bán hàng rong luôn cố “chặt chém” tôi. Có những người phụ nữ bán bánh mì đã từ chối trả lại tiền thừa cho tôi, người bán hàng bắt tôi phải trả tiền nhiều hơn gấp ba lần dù tôi đã thấy những người mua hàng đứng trước tôi phải trả bao nhiêu, hay cả những tài xế taxi đã gian lận đồng hồ trên đường chở tôi đến bến xe.
Khi tôi chọn mua một chiếc áo thun ở Hội An, ba người phụ nữ đã cố gắng giữ tôi trong cửa hàng của họ cho đến khi tôi phải mua thứ gì đó, thậm chí có người còn kéo cả áo tôi. Du ngoạn đến vịnh Hạ Long, công ty lữ hành đã không chuẩn bị nước uống trên tàu, và họ còn nhận quá số lượng khách đặt tour. Chính vì vậy, những người đã trả tiền để được ở phòng đơn đột nhiên phải ở chung với một người đồng hành khác, đôi khi phải nằm chung một giường.
3.
Một trong những trải nghiệm khủng khiếp nhất của tôi là ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tôi đã bắt xe để về lại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cảm thấy khát, và mua một loại đồ uống phổ biến ở Việt Nam – một hỗn hợp gồm nước, chanh, đường chứa trong một túi nhựa. Bạn có thể tìm thấy nó ở khắp mọi nơi, đặc biệt là ở các trạm trung chuyển. Tôi đi đến một tiệm bên cạnh xe buýt và chỉ vào thứ tôi muốn. Cô bán hàng nhìn tôi và gật đầu. Rồi người phụ nữ ấy chế biến thức uống, sau đó quay sang một người bạn của cô, nói một điều gì đó, cười, sau đó lại cười với tôi trong khi rõ ràng cô ta chẳng bỏ đủ các nguyên liệu vào món đồ uống. Lúc ấy tôi mới biết được rằng mình đã bị gạt một cách ngang nhiên. “Cô ta nói với người bạn rằng cô sẽ “chặt chém” và lừa gạt bạn bởi vì bạn là người da trắng” – một người Mỹ gốc Việt đi với tôi trên chuyến xe, “Cô ta không nghĩ rằng anh sẽ phát hiện ra.”
Tôi liền hỏi anh ta rằng: “Vậy món này có giá thực sự là bao nhiêu?” Đó là một con số nhỏ – chỉ vài cent. Tôi đã quay lại và tỏ rõ thái độ với người bán hàng, nói rằng cô ta là một người xấu xa rồi quay về xe của mình. Đó không phải là một số tiền đủ lớn để tôi phải bận tâm, nhưng tôi đã rất buồn vì sự không tôn trọng và khinh thường mà cô ta đã dành cho tôi.
4.
Tôi đã tự hỏi có lẽ chỉ mình tôi bị như thế.
Có lẽ tôi là người duy nhất nhận lấy phải những trải nghiệm tồi tệ trên miền đất Việt Nam tuyệt vời? Chắc là tôi đã thiếu may mắn, hay tôi đã gặp mọi người trong lúc họ đang khó chịu? Thế nhưng, sau khi nói chuyện với một số du khách khác, tôi đã nhận ra rằng chúng tôi có cùng một câu chuyện.
Họ đều kể về những lần bị gạt, lừa lọc, bị nói dối. Chúng tôi đều phải dè chừng với tất cả mọi thứ. Và hơn hết, chúng tôi đã không bao giờ cảm thấy mình được chào đón ở đất nước ấy.
5.
Hơn thế nữa, tôi còn chứng kiến những người nước ngoài khác gặp vấn đề ở Việt Nam.
Một người bạn của tôi đã phải mua hàng với giá đắt. Một lần bạn tôi mua chuối và người bán hàng đã bỏ đi trước khi đưa lại tiền thừa. Tại một siêu thị, bạn tôi đã phải nhận Chocolate thay vì tiền thối thông thường. Hai trong số bạn bè của tôi đã ở Việt Nam trong 6 tháng, và họ đã kể lại rằng người Việt Nam luôn thô lỗ với họ bất chấp với việc họ trở thành “dân địa phương”. Hàng xóm không hề thân thiện với họ. Bất cứ nơi nào tôi đến, những trải nghiệm mà tôi có được dường như đúng với “chuẩn mực” và không phải là ngoại lệ.
Tôi không viết bài này như một lời cáo buộc cho người Việt Nam hay đất nước Việt Nam. Tôi chỉ muốn chia sẻ về những kinh nghiệm không tốt đẹp của mình. Tuy nhiên, những câu chuyện và giai thoại mà tôi nghe từ nhiều người đã khẳng định thêm cho những kinh nghiệm và cảm giác mà tôi từng có.
Một chuyến du lịch không nhất thiết phải luôn hoàn hảo. Tôi không hề ngần ngại trước những gì khó khăn. Tôi thích những sự mạo hiểm và việc phải tự tìm ra cách của mình để có thể hiểu thêm về thế giới. Bởi tôi nghĩ rằng những điều ấy sẽ tạo nên tính cách. Tôi cũng không bận tâm khi phải trả thêm tiền. Một dollar cho họ sẽ có giá trị hơn rất nhiều so với một dollar cho tôi. Tôi hiểu rằng chúng tôi vẫn sẽ phải mặc cả khi đi chợ, vẫn sẽ cười, và vẫn sẽ trả một số tiền cao hơn bình thường. Nhưng tôi không hề muốn bị đối xử như tôi không phải một con người. Tôi không thích bị coi thường hay bị lừa gạt. Tôi không muốn nhìn vào tất cả mọi người và tự hỏi rằng có phải họ đang cố gắng để lừa tôi. Một sự giao dịch đâu cần phải là một sự đấu tranh. Sau ba tuần ở Việt Nam, tôi không thể nào thích nghi đủ nhanh và tôi cảm thấy vui khi không bao giờ quay trở lại đây nữa.”
Ghi chú của tác giả: Tuy tôi đã có những trải nghiệm rất tệ ở Việt Nam, nhiều người cũng có những trải nghiệm rất tốt. Bạn nên thử tự trải nghiệm một lần. Tìm hiểu những điều tốt, xấu, tệ hại nếu muốn trở thành một nhà du ngoạn thực thụ, và tích luỹ thêm những trải nghiệm cho bản thân mình. Tôi không ủng hộ bất cứ ai quyết định bỏ qua Việt Nam khi chưa từng ghé qua. Tôi chỉ nói rằng tôi không mong muốn quay trở lại nơi này.
Nguồn: Theo Hoàng Nam (theo Huffington Post)