Mỗi khi có lễ hội Chăm, Inra Jaya khăn gói lên đường và ghi lại nhiều góc nhìn độc đáo để giới thiệu đến bạn bè văn hóa truyền thống quê hương mình.
Lễ hội Chăm là đề tài thu hút không chỉ các nhà nghiên cứu mà còn nhiều nhiếp ảnh gia, trong đó có Phú Tuệ Tri, một người con của Ninh Thuận hiện sinh sống tại Sài Gòn. Chàng trai 27 tuổi này thường được gọi bằng tên tiếng Chăm là Inra Jaya.
Bắt đầu làm quen với máy ảnh bán chuyên từ năm 2009, anh chọn lễ hội Chăm là đề tài chính để sáng tác. Với niềm đam mê nhiếp ảnh và văn hóa Chăm, Inra Jaya gần như không bỏ qua một lễ hội nào ở Phan Rang.
Người Chăm có nhiều lễ hội đặc sắc như Kate, Ramawan, Po Nai, Rija Nagar, Cầu Đảo, mở cửa Tháp… Mỗi sự kiện lại có những nét đặc trưng như điệu múa Ka-ing độc đáo, trang phục rực rỡ của chức sắc, các lễ tục cúng tế với sắc thái huyền bí, thiêng liêng.
Mỗi khi có lễ hội Chăm, Inra Jaya lại tất bật lên đường về thành phố Phan Rang với chiếc xe máy và ba lô máy ảnh. Là người Chăm bản địa, lại thừa hưởng chất nghệ sĩ từ cha – nhà thơ Inra Sara, các góc ảnh của chàng trai luôn đậm sắc màu văn hóa truyền thống.
Lễ hội Po Nai trên núi Chà Bang diễn ra vào tháng 4, 5 và 6 dương lịch. Người dân đến đây thường cầu sức khỏe, tình duyên hay con cái. Trung tâm buổi lễ là bà bóng với điệu múa uyển chuyển, hùng hồn cùng sự cổ vũ náo nhiệt của mọi người xung quanh.
Các hoạt động truyền thống của người Chăm diễn ra quanh năm. Trong đó, anh ấn tượng nhất là lễ hội Cầu Đảo diễn ra ở cửa biển Mỹ Tường (Ninh Hải, Ninh Thuận).
Sự kiện tổ chức trong hai ngày với những nghi thức múa của bà bóng và cúng tế rất đặc sắc. “Tôi ấn tượng mạnh với nét huyền bí, linh thiêng của nghi thức tế lẫn sinh hoạt trong buổi lễ. Ban đêm, mọi người quây quần ca hát, ngân vang câu dân ca Chăm và nhún nhảy điệu múa âm dương thiêng liêng”, anh cho hay.
Bên cạnh các lễ hội, anh lại khám phá ra những điểm hấp dẫn mới trong mỗi lần di chuyển. Một trong số đó là đồi bằng lăng tím ở Tuy Phong hay Cổ Thạch, Bình Thuận. Anh ghi lại tất cả bằng hình ảnh và chia sẻ ngắn gọn trên trang Incredible Champa do chính mình sáng lập.
Đồi bằng lăng tím ở Tuy Phong – Bình Thuận nằm gần quốc lộ 1A. Hoa thường nở rộ vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6.
Cùng với đam mê chụp ảnh, du lịch cũng là niềm yêu thích của anh. Đến nay, nhiếp ảnh gia trẻ đã đặt chân tới Campuchia, Lào, Malaysia, Ấn Độ, Đức, Italy, Pháp, Áo và Thụy Sĩ.
Qua những chuyến đi, anh học hỏi được nhiều điều và tích lũy thêm kinh nghiệm trong việc sáng tác. “Từ đó góp phần truyền tải những bức ảnh đẹp, quý giá cho mọi người và phần nào lưu giữ những nét đẹp truyền thống Chăm trước nguy cơ bị mai một”, Jaya chia sẻ.
Anh dự định sàng lọc những bức ảnh quý, mang đậm tính truyền thống Chăm để in thành sách và tổ chức triễn lãm nghệ thuật ở nhà trưng bày văn hóa Chăm Inra Hani – Mỹ Nghiệp.
Kỷ niệm đáng buồn nhất của Jaya là trong lần về quê chụp ảnh, anh ghé bãi biển Cà Ná. Vì mải mê săn ảnh hoàng hôn ngay lúc giao hòa giữa biển xanh, rừng thẳm và trời mây, chàng trai bị sóng lớn cuốn trôi hết ba lô máy ảnh khi đang đứng trên mỏm đá giữa biển.
Hiện nay, ngoài việc chụp ảnh, anh còn làm các clip nhỏ với những hình ảnh đặc trưng của vùng đất Ninh Thuận như đàn cừu, giàn nho chín mọng, làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp, các lễ hội, điệu múa cổ truyền để giới thiệu và quảng bá quê hương cũng như truyền thống văn hóa dân tộc Chăm. “Tôi muốn giúp mọi người hiểu hơn về Ninh Thuận và dễ dàng đặt chân đến khi đã nắm kỹ mọi thông tin trên các clip”, anh bộc bạch.
Xem thêm những tấm ảnh văn hóa Chăm của Jaya:
Tháp Po Rome ở làng Chăm Hậu Sanh, Ninh Phước, Ninh Thuận, cách thị trấn Phước Dân, quốc lộ 1A một km, là nơi diễn ra lễ hội Kate vào tháng 10 hàng năm của đồng bào Chăm.
Xe trâu truyền thống của đồng bào Chăm.
Vào những ngày cuối tháng 6 hàng năm, đồng bào Chăm Bà Ni thường tổ chức lễ hội Ramawan. Lễ hội lớn nhất của đồng bào này diễn ra trong hai ngày. Ngày đầu buổi lễ, các gia đình, dòng tộc cùng nhau đi tảo mộ. Ngày thứ hai là lễ cúng gia tiên trong nhà.
Kate là lễ hội lớn nhất của đồng bào Chăm Bà La Môn, diễn ra vào tháng 10 hàng năm. Vào ngày này, đông đảo bà con Chăm lên tháp cúng tế, múa hát. Sau đó, họ về nhà cúng gia tiên và thực hiện những hoạt động văn hóa náo nhiệt ở palei (làng). Đây là lễ hội đặc trưng của Ninh Thuận thu hút đông đảo du khách tham quan.
Người Chăm có hệ thống ngôn ngữ riêng biệt tồn tại từ bao đời nay. Ở mỗi gia đình, các cụ ông lớn tuổi có trách nhiệm truyền lại cho thế hệ con cháu. Những lúc rảnh rỗi họ sẽ dạy chữ viết, ban đêm dưới ánh trăng tròn họ sẽ kể những chuyện cổ tích, sử thi.
Cụ bà trong mỗi gia đình, dòng tộc có nhiệm vụ dạy các thiếu nữ múa, hát và cách đi đứng nói chuyện . Do đó, người phụ nữ Chăm nào cũng biết múa. Họ múa nhiệt tình, say sưa và đầy mê hoặc.
Thác Chaper là điểm du lịch mới ở Ninh Thuận, thu hút rất nhiều du khách ghé đến. Nằm cách TP Phan Rang 60 km và cách quốc lộ 27B 10 km thuộc xã Phước Tân, huyện Bác Ái. Thác có độ cao hơn 50 m và bề ngang chân thác rộng 40 m. Vào những ngày hè oi bức, nơi đây là điểm đến của người dân Ninh Thuận và các vùng lân cận.
Nguồn: Theo Văn Trãi (Vnexpress)