Đăk Nông là cao nguyên xanh đầy nắng gió, khí hậu mát mẻ và chan hòa, được bao bọc bởi những đồi cà phê, cao su bạt ngàn.
Cung đường đổ xuống dốc Cù Trỏ để vào làng H’mông. Ảnh: Hoàng Thương.
Nằm ở cuối của dãy Trường Sơn, Đăk Nông có bình nguyên rộng lớn với độ cao trung bình 500 m so với mực nước biển, phía nam là khu vực nhiều đồng bằng với những đầm hồ, thác nước chảy hùng vĩ. Từ TP HCM, bạn sẽ mất khoảng 6 tiếng di chuyển, băng qua các cung đường đèo đất đỏ, khúc khuỷu, lên xuống để đến vùng đất mênh mông núi rừng trên cao nguyên Đăk Nông.
Bình yên ngôi làng dân tộc H’mông
Đèo Cùi Trỏ là đoạn đường khá chênh vênh và dốc với chiều dài khoảng 1,5 km, có những đoạn gấp khúc rất hẹp như khuỷu tay. Đèo Cùi Trỏ thuộc xã Đăk Nang, huyện Krông Nô, nơi tập trung phần lớn cộng đồng dân tộc H’mông sinh sống trong một ngôi làng nằm tách biệt và ẩn sâu dưới chân núi. Ngôi làng được bao phủ một mảng xanh của đồi cà phê, cao su trên cao nguyên, hai bên đường đi là những ngôi nhà bưng ván mái tranh khá đơn sơ và giản dị như chính vẻ ngoài của người dân tộc thiểu số.
Đến đây, du khách có thể cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ tựa bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ẩn mình dưới ngọn đồi cao su bạt ngàn, cà phê nặng trĩu hạt đang chuyển màu đỏ rực khắp các sườn đồi đất đỏ bazan, báo hiệu mùa thu hoạch bắt đầu.
Nếu đi vào mùa thu hoạch cà phê thì bạn có thể thấy rõ hơn sự nhộn nhịp của người dân khi thời điểm vào mùa tới, khiến nơi đây sống động, đầy ắp tiếng cười đùa của trẻ em cũng như người lớn lan tỏa khắp các sườn đồi. Bạn có thể dạo quanh những vườn cà phê để chiêm ngưỡng sắc màu đỏ tím của cà phê đang trong mùa chín rộ hay đơn giản có thể tận mắt thấy kỷ thuật sơ chế hạt cà phê theo cách truyền thống của dân tộc H’mông.
Những ngôi nhà bưng ván nằm ngay dưới chân núi. Ảnh: Hoàng Thương.
Trong hành trình khám phá vùng đất đỏ bazan, nếu du khách đến đây vào dịp diễn ra lễ hội “Vào mùa” của người dân H’mông sẽ chứng kiến được vẻ vui nhộn, thú vị của dân bản địa. Cũng giống như lễ hội của người Ê đê, người H’mông mỗi khi dịp này ai nấy đều tụ họp, tham gia góp thức ăn, đồ uống từ mỗi gia đình, các loại rượu như rượu cần, rượu kê, bo bo… tất cả được chuẩn bị để phục vụ cho lễ hội. Vào ngày này, dân tộc H’mông luôn vui vẻ, say sưa nhảy múa cùng giai điệu cồng chiêng truyền thống, những bài hát dân ca được thể hiện bằng những nhạc cụ dân tộc như sáo, kèn lá, khèn… dưới ánh lửa bập bùng vang ngân thanh thoát nơi núi rừng.
Hòn đảo Tà Đùng ẩn mình sau núi
Ẩn mình sau dãy núi nối liền cao nguyên Đăk Nông – Di Linh, hồ Tà Đùng được biết đến là “vịnh Hạ Long trong lòng Tây Nguyên”, nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng nối liền hai xã Đăk P’Lao và Đăk Som. Với 36 hòn đảo lớn nhỏ, tuyệt tác lưng chừng nơi núi rừng cao nguyên nằm tách biệt với hầu hết thế giới bên ngoài nên nơi đây mang vẻ đẹp hoang sơ, cuốn hút.
Vẻ đẹp của hồ Tà Đùng nhìn từ trên cao. Ảnh: Baodaknong.
Những dòng suối, thác nước hấp dẫn, kỳ bí với nguồn nước trong xanh, mát lạnh như suối Đăk N’Teng, Đăk P’Lao, thác 7 tầng, thác mặt trời… chảy về hồ Tà Đùng như tô thêm vẻ đẹp kỳ vĩ cho làn nước trên hồ.
Đứng trên đỉnh cao nguyên nhìn xuống, bạn sẽ được thu vào tầm mắt toàn bộ phong cảnh núi non hữu tình nơi miền sơn cước, thấp thoáng những mái nhà sàn nằm trải dọc xung quanh hồ, ẩn hiện theo những đám mây chao lượn trên bầu trời, cảnh quan ngoạn mục nơi cao nguyên kỳ vĩ làm xao xuyến lòng người, mê đắm và cuốn hút không ít lữ khách khi ngang qua đây.
Nguồn: Theo Hoàng Thương (Ngoisao.net)