Thác Gia Long hay còn gọi là Đray Sáp Thượng, là một thác nước trên sông Serepôk thuộc xã Dray Sáp huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk và xã Đăk Sôr của huyện Krông K’Nô, tỉnh Đắc Nông.
Thác Gia Long nằm cách thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 30 km. Từ Buôn Mê Thuột, bạn di chuyển theo tuyến quốc lộ 14, đến gần cầu 14, rẽ trái, đi khoảng 10km nữa là đến cổng khu du lịch của cụm thác. Từ cổng, chỉ cần đi bộ vài trăm mét là bạn đến được thác Dray Sáp, tuy nhiên, để đến Gia Long thì cần đi thêm khoảng 7 km nữa theo một con đường trải nhựa băng xuyên rừng. Con đường rất đẹp này hầu như không có người qua lại, chỉ thỉnh thoảng có người dân địa phương đi làm rẫy hoặc những đàn bò thẩn thơ gặm cỏ.
Những hồ nước xanh ngọc bích.
Thuộc địa phận hai tỉnh, mặc dù nằm rất gần thác Dray Sáp và đã được đầu tư đường nhựa dẫn đến tận nơi, việc khai thác du lịch ở thác Gia Long vẫn chưa được đầu tư đúng mức, bị du khách lãng quên. Tới đây bạn sẽ ngỡ như mình vừa lạc vào rừng rậm Amazon.
Càng gần đến thác, con đường càng trở nên lãng mạn với những cánh hoa rừng phủ kín mặt đường.
Lội qua một đoạn đường ngắn ngập nước, bạn sẽ ngỡ ngàng với vẻ đẹp của thác Gia Long.
Những hồ nhỏ tự nhiên với màu xanh mát mắt khiến du khách sau một chặng đường 7 km chỉ muốn nhảy xuống tắm ngay lập tức.
Có chuyện kể rằng, vị vua cuối cùng Bảo Đại đã cưỡi voi đến nơi đây, vì quá cảm kích trước vẻ đẹp của thác, đã lấy tên vị vua đầu tiên của triều Nguyễn đặt cho nơi này.
Nếu là người ưa khám phá và thích mạo hiểm, bạn có thể leo ngược lên các vách đá về đầu nguồn sông Serepôk, ngắm toàn cảnh thác, cùng những cây cầu treo làm bằng tre đã cũ.
Từ độ cao này, du khách lại thêm một lần kinh ngạc khi nhìn thấy cùng một lúc hai màu sắc hoàn toàn khác biệt của nước chỉ trên một đoạn sống ngắn.
Thêm một điều đặc biệt nữa khi đến với thác Gia Long, du khách sẽ bắt gặp kiểu địa chất magma đặc trưng, gồm nhiều khối đá hình trụ xếp chồng lên nhau, có nguồn gốc từ núi lửa phun trào, giống như gành Đá Dĩa ở Phú Yên.
Thời điểm thích hợp để thăm thác Gia Long là vào đầu mùa mưa, khi lượng mưa chưa quá nhiều, nước sông Serepôk chưa gầm gừ dữ tợn. Tuy nhiên, bạn cũng nên cẩn trọng, vì đường vào thác đi xuyên rừng, nên sau vài trận giông lốc, dễ xảy ra hiện tượng cây đổ, che kín lối đi.
Còn nếu đi vào mùa khô, nhiều khả năng thác cạn hết nước do thủy điện Buôn Kốp ở đầu nguồn tích trữ nước. Một đoạn đường bị cây đổ chắn ngang sau một trận mưa lớn.
Nhưng dù thăm thác Gia Long trong mùa nào, bạn cũng hãy chuẩn bị thật đầy đủ nước uống, thức ăn nhẹ, áo tay dài, nón, kem chống nắng và áo đi mưa nhé. Thời tiết Tây Nguyên vốn dĩ rất đỏng đảnh mà.
Nguồn: Theo Cỏ Biếc – Newszing