Ở miền Bắc tổ quốc, có một vùng đất nghèo đá núi bao quanh. Đá ở nơi đây nhiều hơn đất, đá nuôi lên hoa màu, đá phủ mình vào cuộc sống. Nơi ấy người ta gọi là vùng đất của đá, nơi ấy là nơi điểm cực của tổ quốc ta. Và nơi ấy, không nào khác ngoài mảnh đất Lũng Cú, mảnh đất núi rừng miền Bắc nước ta.
Lũng Cú – nơi địa đầu tổ quốc ta. – Ảnh: Black Swan”s world
Lũng Cú là một xã nhỏ thuộc huyện Đồng Văn, cách thị xã Hà Giang độ 200km. Nơi đây được xem là điểm cực Bắc của nước ta, điểm mốc mà không ít những người đam mê du lịch bụi muốn chinh phục.
Chinh phục mảnh đất này là niềm khát khao của biết bao người. – Ảnh: ksdlethanh
Cảnh đẹp làm xao xuyến lòng nơi đây. – Ảnh: VuKimSon
Lũng Cú là gọi theo tiếng của người H’Mông có nghĩa là “long cư” tức là nơi rồng cư ngụ. Ngoài ra, người địa phương còn lưu truyền một truyền thuyết về vị hoàng đế Quang Trung. Sau khi đại thắng quân xâm lược phương Bắc, ông đã đặt một chiếc trống rất lớn lên mảnh đất Lũng Cú và cứ mỗi canh giờ lại gióng lên ba hồi để bên kia biên giới cũng nghe được. Những hồi vang trống oai nghiêm ấy chính là lời khẳng định về chủ quyền tổ quốc thiêng liêng đối với quân xâm lược. Lãnh thổ nước ta là bất hả xâm phạm. Cái tên Lũng Cú hay là Long Cổ (trống của vua) ra đời từ đó. Lưu lại dấu ấn một thời oai linh dân tộc.
Cái tên Lũng Cú từ lâu rồi đã gắn liền với niềm tự hào chủ quyền dân tộc. – Ảnh: VuKimSon
Lũng Cú là mảnh đất thiêng của tổ quốc nhưng cũng là mảnh đất nghèo, cằn cỗi. Ở Lũng Cú đá chất ngất trời. Nơi đây hơn bảy phần là đá. Đá trở thành đất của người Lũng Cú, trở thành đất mẹ của ngô đậu rau mầm. Sắc xanh nơi đây đều được ươm lên từ đá. Vùng đất cằn mà sức sống quá đỗi hiên ngang.
Lũng Cú là mảnh đất cằn nhưng vẫn rất đẹp. – Ảnh: VuKimSon
Hoa nơi đây, những hoa mọc lên trên đá. – Ảnh: VuKimSon
Đến Lũng Cú vào mùa đông. Không gian lặng trong màu xám, màu xám của đá trên quanh những chuồng ngựa, chuồng bò; những tường bao quanh nhà, bếp lò tránh rét… Tất cả đều được làm từ đá, được kê lên đá. Màu đá thấm đẫm trong cuộc sống mỗi ngày.
Ngôi nhà tường đá bao quanh. – Ảnh:VuKimSon
Những mái nhà nơi miền núi – Ảnh: VuKimSon
Gặp Lũng Cú vào mùa hạ. Màu nắng tràn về xua đi sắc lạnh nơi đây. Hạ về mang theo cây trái. Những mận, những táo, những lê ngon nổi tiếng vùng cao làm say mê biết bao nhiêu người. Không chỉ thế, khi xuân về nơi đây, hoa nở khắp. Là hoa mận, là hoa tam giác mạch, là hoa cải vàng rực rỡ cả góc trời. Hoa mang lên màu sức sống cho đất này. Hoa làm cho vùng đấy trở nên sống động, mơ mộng nhưng rất đỗi kiên cường. Hoa của Lũng Cú, những hoa sinh thành từ hốc đá, những hoa biểu trưng cho sức sống nơi này.
Hoa cải vàng mảnh vườn Lũng Cú. – Ảnh: VuKimSon
Hoa tam giác mạch ở Lũng Cú. – Ảnh: TienDuongQuang
Những bậc thang trải hoa của núi rừng. – Ảnh: VuKimSon
Đến Lũng Cú, mọi người không chỉ muốn ngắm màu hoa, ngắm những mái nhà lúp xúp màu đá mà nhiều hơn là muốn được chạm tay vào cột cờ, cột mốc đánh dấu điểm cực Bắc nước ta.
Cột cờ Lũng Cú – điểm đến mà ai cũng muốn được chạm vào khi đến nơi đây. – Ảnh: DutchTa
Cột cờ Lũng Cú – Cột cờ quốc gia. – Ảnh: thanhvdgt
Cột cờ Lũng Cú được đặt trên đỉnh núi Rồng. Cột cờ ngày hôm nay ta thấy là cột cờ được xây dựng lại cách đây vài năm. Nhưng lịch sử về nó thì bắt đầu từ khá lâu về trước. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt. Đến thời Pháp thuộc thì được xây lại. Trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng, cột cờ Lũng Cú có được hình dạng như ngày hôm nay.
Cờ bay trên đỉnh cột mang theo niêm tự hào dân tộc. – Ảnh: Gavin White
Cột cờ này không chỉ biểu trưng cho lãnh thổ quốc gia mà còn là minh chứng cho tình đoàn kết dân tộc và văn hóa nước ta. Hình ảnh trống đồng dưới chân cột và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc khiến ta liên tưởng tới sự tự do được xây dựng nên từ một nền văn hóa và những hy sinh, gian lao lịch sử. Khoảnh khắc trông thấy lá cờ tung bay là khoảnh khắc ta ôm trọn niềm xúc động tự hào quê hương vào lòng.
Màu cờ tung bay sườn núi mang theo niềm tự hào tổ quốc ta. – Ảnh:Sondautau
Lũng Cú – Hà Giang, những đá, những sương, những gió mưa nơi địa đầu tổ quốc. Mảnh đất xa xôi mà gẫn gũi, ta không có dịp gặp thường xuyên nhưng luôn nhớ nhung trong lòng. Một ngày nào đó không xa, thử đến đây và tự mình cảm nhận, ắt trong lòng sẽ miên man những xúc cảm chân thành.
Nguồn: Theo Iki Oleo – Mytour