Đỉnh núi Pu Ta Leng với độ cao 3049m thuộc địa phận tỉnh Lai Châu được ví von là ước mơ chung cho các tín đồ ưa dịch chuyển, đam mê tìm tòi và khám phá. Đến với đỉnh núi cao thứ hai Việt Nam (chỉ sau đỉnh Fansipan), bạn sẽ bị choáng ngợp trước cảnh núi rừng đẹp hùng vĩ pha chút huyền ảo. Khu vực xung quanh núi có địa hình dốc, đầy nguy hiểm và khá kén người đi, tuy vậy Pu Ta Leng chắc chắn là món quà xứng đáng, là trải nghiệm khó quên của tuổi trẻ khi quyết định chinh phục nóc nhà thứ hai của Đông Dương này!
Cảnh như trên mây đỉnh Pu Ta Leng – Ảnh: vnexpress
Là một trong những ngọn núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, Pu Ta Leng nằm ngay phía tây bắc của đỉnh Fansipan. Nếu Fansipan được ví von là “nóc nhà của Đông Dương” thì Pu Ta Leng chính là nóc nhà thứ hai mà các phượt thủ hoặc các bạn trẻ ham mê thách thức “nhất định” phải thử chinh phục dù chỉ một lần. Giữa hai đỉnh núi này là đèo Ô Quy Hồ (hay còn gọi là đèo Hoàng Liên) và đường quốc lộ 4D chạy qua (đây là con đường đi từ Lào Cai sang Lai Châu và ngược lại).
Đèo Ô Quy Hồ (đèo Hoàng Liên) – Ảnh: mytour
Đỉnh Pu Ta Leng (Phu Ta Leng) đọc theo tiếng người dân tộc Dao sinh sống ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là Pú Tả Lèng, theo đó từ “Pú” mang nghĩa là “núi”. Chinh phục Pu Ta Leng không phải chuyện một sớm một chiều, thường thường quá trình leo lên đỉnh và xuống lại sẽ mất tầm từ 3-4 ngày, nếu muốn dừng chân kết hợp cắm trại giữa đường đi và nghỉ ngơi nhiều sẽ mất khoảng từ 5-6 ngày. Bạn có thể bắt đầu ở vạch xuất phát từ bản Phô, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu để mở màn cho hành trình chinh phục thách thức Pu Ta Leng của mình.
Một góc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường nhìn từ trên cao – Ảnh: Đỗ Quyên
Bản Phô, nơi các phượt thủ thường chọn làm điểm xuất phát – Ảnh: angel travel
Với độ cao “đáng nể” chỉ đứng ngay sau Fansipan, đỉnh Pu Ta Leng 3049m được các phượt thủ chia nhỏ hành trình để chinh phục. Ngày đầu tiên, từ điểm xuất phát (chân núi) leo lên độ cao khoảng 1500-2000m, ngày thứ hai chinh phục nốt độ cao còn lại, cứ thế tiếp tục lặp lại hành trình khi từ trên đỉnh đi xuống, về lại điểm xuất phát ban đầu. Khác với đỉnh Fansipan đã nâng cấp, xây dựng nhiều dịch vụ thuận tiện cho ngành leo núi với mục đích thương mại và du lịch, đỉnh Pu Ta Leng vẫn còn khá hoang sơ, cảnh đồi núi hiểm trở với các dốc cao dựng đứng thách thức lòng dũng cảm, bình tĩnh cũng như sự nhanh trí trong việc xử lí các tình huống bất ngờ.
Đỉnh Pu Ta Leng trên bản đồ điện tử – Ảnh: Google earth
Đỉnh núi Ta Pu Leng mờ ảo trong biển mây – Ảnh: VozForums
Ở khoảng 700-1000m đầu tiên, đường lên không quá nhiều hiểm trở, ít các đoạn ngoặt và lởm chởm của vách núi, tuy nhiên cây rừng mọc rậm rạp chắn hầu hết các đường đi. Các cây to cổ thụ mấy ngàn năm thân to xù xì, rễ trồi lên mặt đất nằm ngổn ngang sau trận mưa bão hay gió to cũng được coi là một trong những trở ngại đáng kể tiêu tốn thời gian và sức lực người leo núi.
Đường lên đỉnh với những phiến đá to và rừng cây rậm rạp – Ảnh: thanh nien
Từ độ cao 1500m trở lên, hoa đỗ quyên đủ màu nở ngập khắp bầu trời Pu Ta Leng tạo nên bức tranh núi rừng hùng vĩ mà vẫn ánh lên nét lãng mạn, thơ mộng. Nhiều nhất là những vạt đỗ quyên hồng và tím len lỏi khắp đường đi, cánh hoa rụng vương đầy đường đi tạo cảnh tượng như đường lên tiên cảnh. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa ta còn có thể thấy đỉnh Bạch Mộc Lương Tử và đỉnh Phu Xi Lùng, 2 đỉnh núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn.
Cận cảnh một bông hoa đỗ quyên – Ảnh: Đỗ Quyên
Đỗ quyên dọc đường lên đỉnh Pu Ta Leng – Ảnh: CongThe
Đỗ quyên dọc đường lên đỉnh Pu Ta Leng – Ảnh: CongThe
Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử – Ảnh: phuotvn
Lên được tới độ cao 3049m, từ trên đỉnh nhìn xuống là cảm giác tự hào khi đã vượt qua hàng trăm, hàng ngàn thử thách dọc đường đi để chinh phục được đỉnh núi cao thứ hai Việt Nam. Ở độ cao này, nhiệt độ xuống thấp, trời trở lạnh, không khí loãng cùng chặng đường leo trèo gian nan dễ khiến người đi mệt mỏi. Vì vậy, hãy dành ra một khoảng thời gian ngồi lại và tụ tập chia sẻ cảm giác cũng như niềm vui với các bạn trong đoàn đi.
Ngoài đỉnh Pu Ta Leng hùng vĩ, nhân cơ hội này, bạn cũng có thể khám phá đỉnh Bạch Mộc Lương Tử và Phu Xi Lung,… đây đều là các đỉnh núi thách thức người leo với những dốc đá nhọn, lởm chởm và địa hình chông chênh nhiều đồi và chướng ngại vật.
Pu Ta Leng nói chung và các đỉnh thuộc dãy Hoàng Liên Sơn luôn là ước mơ chung cho nhưng bạn trẻ ham mê dịch chuyển, muốn đánh dấu những khoảnh khắc khó quên của tuổi trẻ qua bằng bàn chân chinh phục.
Nguồn: Theo Hạnh Nguyên – Mytour