Bạn có thể khởi hành từ Hà Nội vào lúc 6h sáng, kết hợp thăm thú khu du lịch Tràng An và đi lễ chùa Bái Đính trong cùng ngày.
Điều đặc biệt ở Tràng An là các hồ có thể tạo thành nhiều hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn.
Hiện nay, du khách đến Tràng An thường tham gia tour du lịch bằng thuyền kéo dài 3 giờ, bắt đầu từ khu đón tiếp trung tâm nằm bên đại lộ Tràng An, qua các điểm du lịch: Bến đò – Đền Trình – hang Địa Linh – hang Tối – hang Sáng – hang Đền Trần – Đền Trần – hang Si – hang Sính – hang Tình – hang Ba Giọt – hang Nấu Rượu – Phủ Khống – hang Phủ Khống – hang Trần – hang Quy Hậu – Bến đò (qua 12 hang khác nhau và 3 đền). Giá vé tham quan là 150.000 đồng một khách.
Điểm dừng chân ở đền Trần phải leo lên 175 bậc khá vất vả. Bạn nên hạn chế đồ mang theo và đi giày vải mềm.
Qua Đền Trần là đến thung lũng Tràng An, nơi hiện chỉ dành cho những nhà nghiên cứu, nguyên thủ quốc gia. Người trông coi đền Trần, ông Dương Đình Thanh (Hoa Lư, Ninh Bình) kể rằng theo các tích trên bia đá cho thấy, thung lũng Tràng An là nơi từng diễn ra vụ thảm sát khủng khiếp cách đây 1.000 năm. Tướng Phạm Bạch Hổ đem 1.000 quân vào thung lũng ẩn náu, và lấy làm căn cứ rèn đao luyện kiếm, khôi phục binh mã tính chuyện thôn tính Lê Hoàn nhằm giành lại quyền bính cho nhà Đinh. Thông tin bị bại lộ, Lê Hoàn đem quân bao vây thung lũng. Khu vực độc đạo khiến quân lính của Phạm Bạch Hổ cạn lương nhanh chóng, ông cùng 1.000 binh sỹ đã thiệt mạng. Máu chảy khắp nơi nên ngày nay người Tràng An còn gọi thung lũng này là Vụng Thắm. Câu chuyện như một huyền thoại của người Tràng An, còn chính sử thì ghi rằng: Tướng Phạm Bạch Hổ là người gắn với 3 triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê. Bia đá tại đền Trần ghi, sau khi chôn cất 1.000 binh sỹ, nhân dân đã trồng trên mỗi nấm mồ một cây si.
Hang Nấu Rượu, trong hang có một giếng nước sâu khoảng 15 m, nước rất trong và mát. Tương truyền, tiền nhân xưa đã phát hiện ra giếng và dùng nước này để nấu rượu. Hang có tên từ đó. Trong quá trình nạo vét hang, người ta tìm được rất nhiều hũ, vại, vò và các dụng cụ dùng trong quá trình nấu rượu.
Kết thúc tour thăm thú Tràng An, bạn nên dùng bữa trưa ngay tại bến thuyền. Nhà hàng ở đây lịch sự, sạch sẽ, có điều hòa và giá cả phải chăng. Hoặc bạn có thể nghỉ trưa miễn phí tại nhà chờ.
Sau khi dùng bữa, bạn di chuyển tiếp đến chùa Bái Đính cách Tràng An chừng 8 km. Giá đi xe điện ở Bái Đính là 60.000 đồng cho hai chiều. Chùa Bái Đính mở cửa từ 6h sáng các ngày trong tuần và thường đóng cửa lúc 21h.
Bức tượng tạo hình Phật bằng đồng, nặng 80 tấn, cao 10 m, an vị trên ngọn đồi của chùa Bái Đính được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam – Vietkings công nhận là tượng Di Lặc lớn nhất nước.
Hành lang chùa Bái Đính.
Ba pho tượng Phật trong Tam thế điện. Ba vị Phật tượng trưng cho quá khứ, hiện tại, tương lai này được dát vàng, trông uy nghi, lộng lẫy. Công trình này xứng đáng đạt kỷ lục tượng Tam thế lớn nhất Việt Nam.
Chùa Bái Đính là một khu vực rất rộng và di chuyển rất mệt, bạn nên cân nhắc chỉ đi một số điểm chính như: Điện thờ Tam Thế và Pháp Chủ, ngôi chùa có tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á nặng 100 tấn. Chùa Bái Đính có hướng dẫn viên chuyên nghiệp bạn nên liên hệ để có thông tin đầy đủ .
Toàn cảnh chùa Bái Đính về đêm.
Bạn có thể đi xe khách từ Hà Nội (các bến xe khách Giáp Bát, Mỹ Đình). Xe chạy hàng ngày, có nhiều giờ khác nhau. Nên liên hệ với Bến xe để biết thêm chi tiết. Hoặc bạn có thể đi Open bus như The Sinh Tourist xe chạy tối, đến Ninh Bình khoảng 22-23h. Bạn nghỉ đêm ở Ninh Bình, hôm sau đi Tràng An.
Có nhiều công ty du lịch tổ chức đi tuyến du lịch Tràng An – Bái Đính từ Hà Nội với mức giá từ 380.000 đến 500.000 đồng một người.
Nguồn: Theo Lê Bích (Vnexpress)