Nhắc đến Bắc Ninh, người ta nghĩ ngay đến làng quê quan họ. Nhưng cũng nhắc đến Bắc Ninh, người ta còn biết đến nơi đây như “cái nôi” của nhiều lễ hội đa dạng, phong phú rải rác khắp các mùa trong năm.
Không chỉ có phong cảnh đẹp, Bắc Ninh còn là nơi có nhiều lễ hội – Ảnh: dukutu
LỄ HỘI LIM
Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.
Hội Lim Bắc Ninh với phần trình diễn hát quan họ của bậc cao niên- Ảnh: Sưu tầm
Hội Lim bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Du khách có thể tham gia phần lễ bắt đầu từ 8h ngày 13/1 Âm lịch. Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước với đoàn rước nhiều sắc màu. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có xen kẽ với nghi thức hát quan họ thờ thần.
Sắc màu rực rỡ của đoàn rước lễ- Ảnh: Sưu tầm
Phần hội khá nhộn nhịp hơn với nhiều hoạt động trò chơi dân gian khác nhau như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội – phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội thi hát quan họ giữa các làng quan họ và đây cũng chính là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim mà du khách không nên bỏ qua đấy!
Trò chơi dân gian đánh đu phổ biến trong hội Lim Bắc Ninh- Ảnh: lngt
LỄ HỘI PHÙ ĐỔNG
Hằng năm vào ngày mồng tám tháng Tư, tại đình làng Gióng, tên chữ là làng Phù Ðổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ hội Phù Đổng như một nghi thức kỷ niệm công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc là đức Phù Ðổng Thiên Vương, tục gọi là Ðức Thánh Gióng.
Lễ hội Phù Đổng với lễ rước lịch sử- Ảnh: Sưu tầm
Hội đền Phù Ðổng Thiên Vương hay còn gọi là hội Gióng diễn ra bao gồm cuộc rước lịch sử, diễn lại trận đánh giặc Ân của đức Thánh Gióng rất chân thực và thú vị. Du khách khi đến đây trẩy hội vừa được biết thêm về lịch sử nước nhà và sau ngày diễn trận, du khách còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian như đánh vật, hát chèo và có cô đầu hát thờ.
Diễn lại trận đánh giặc Ân trong không khí hào hùng của lễ hội- Ảnh: Sưu tầm
HỘI CHÙA DÂU
Chùa Dâu nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa được đánh giá là xưa nhất Việt Nam. Hội chùa Dâu được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng 4 đó là ngày sinh của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Hội Dâu là hội của dân cư nông nghiệp, ý nghĩa quan trọng nhất của Hội Dâu là cầu cho mưa thuận gió hòa, ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.
Hội chùa Dâu- lễ hội cho mùa màng nông nghiệp tốt tươi- Ảnh: Sưu tầm
Trong hội chùa Dâu bao gồm nhiều nghi thức và hoạt động khác nhau, trong đó cuộc thi “cướp nước” được đa phần du khách đến tham gia háo hức nhất. Đó là cuộc thi chạy giữa bà Sấm với bà Mưa. Người ta bói xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu là bà Mưa thì năm ấy được mùa. Nếu là bà Sấm thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở. Chỉ nghe thôi du khách cũng đã thấy thú vị rồi phải không nhỉ?
Trẻ em và người lớn đều tham gia đám rước- Ảnh: Sưu tầm
LỄ HỘI ĐỒNG KỴ
Làng Đồng Kỵ thuộc xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Hội làng được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng 1 âm lịch hàng năm. Lễ hội Đồng Kỵ tuy chỉ với quy mô nhỏ nhưng luôn được người dân và du khách mọi miền biết đến và đánh giá rất cao giá trị truyền thống của lễ hội.
Hội rước pháo làng Đồng Kỵ nhộn nhịp sắc màu- Ảnh: Sưu tầm
Hội rước pháo làng Đồng Kỵ là nghi thức truyền thống được nhiều người dân mong đợi nhất trong suốt 3 ngày hội. Hội thi làm pháo và đốt pháo trước đây là tưởng nhớ, tái hiện lại âm vang ngày Thánh Thiên Cương – vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng ra lệnh xuất quân đánh giặc. Điều đặc biệt nữa mà dân làng muốn dành cho mọi du khách khi đến tham dự lễ hội là những tiết mục hát Quan họ trên thuyền, diễn tuồng… đều do dân làng một tay dàn dựng!
Tục rước ông Đám trong lễ hội Đồng Kỵ- Ảnh: Shotgun911
LỄ HỘI CHÙA BÚT THÁP
Lễ hội chùa Bút Tháp là một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày 23 và 24 tháng 3 âm lịch hàng năm tại chùa Bút Tháp, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là lễ hội mang ý nghĩa rất lớn thể hiện truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam đa sắc màu.
Chùa Bút Tháp qua lăng kính cổ xưa- Ảnh: Haibuihoang
Phần lễ bao gồm lễ cúng Phật, lễ dâng hương, lễ cúng đàn trần tế cầu phúc, lễ cúng Tổ… Sau phần lễ đến phần hội, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao: Cờ tướng, bóng bàn, thi thả chim bồ câu và biểu diễn nghệ thuật chèo… thu hút đông đảo người dân nơi đây và khiến cho du khách bốn phương không thể nào không tham gia đấy!
Sự cổ kính trên từng đường nét thích hợp diễn ra các lễ hội, tín ngưỡng- Ảnh: Saphira
Nguồn: Theo Thùy Dương (Mytour.vn)