Người ta vẫn thường nhắc về một mùa thu với sắc lá vàng bay xôn xao nơi ngõ vắng Hà Nội, với hương hoa sữa nồng nàn nơi góc phố hay mùi cốm non vẩn vương trong sắc nắng ban chiều. Nhưng ai đã một lần ghé Mộc Châu lúc mùa thu chạm ngõ mới hay có một nơi mà thu lại dịu dàng đến vậy, chẳng rực sắc vàng như ta vẫn thấy mà hiện lên trước mắt là một bức họa thiên nhiên đầy đủ các gam màu, bầu trời cao xanh dịu vợi, những đồi chè mơn mởn tươi non, và sắc đỏ của trạng nguyên, sắc vàng của dã quỳ nổi bật giữa những cánh đồng cải trắng trải ngút ngàn.
Chốn thiên đường, nơi ai cũng mong được một lần được thong dong nơi ấy – Ảnh: Le Bich
Những cung đường từ Hà Nội lên Mộc Châu dường như đã quá quen với dân phượt. Chỉ mất khoảng tầm 5 – 6 tiếng vượt qua quãng đường dài gần 200km là bạn đã tới với thiên đường mùa thu Mộc Châu.
Chưa cần đặt chân tới xứ sở này, những cảnh sắc bắt gặp trên đường đi cũng đủ khiến bất kỳ kẻ lữ hành nào cũng phải ngẩn ngơ say đắm, những đường đèo cheo leo hiểm trở, bao quanh là những dãy núi kiêu hùng, những dòng sông hiền hòa uốn lượn, những căn nhà sàn nằm cheo leo nơi vách núi. Tất cả vẽ nên một bức họa hoang sơ, thơ mộng, khiến nhịp tim như cồn cào thêm một nỗi nhớ mong, nhớ mong những cung đường phượt lên Tây Bắc, lên xứ sở của rừng của núi và của những những đồng bào dân tộc rẻo cao.
Để lạc bước một trời thu đẹp mơ màng – Ảnh: Phan Hoang
Miên man trên những nẻo đường ấy rồi bật chợt ngẩn người khi Mộc Châu đã hiện ra trong tầm mắt. Một Mộc Châu mùa thu đẹp tới ngỡ ngàng, một Mộc Châu mùa thu như thước phim quay chậm của chốn tiên cảnh bồng lai.
Như một thước phim quay chậm chốn tiên cảnh bồng lai – Koenigtiger06
MỘC CHÂU MÙA THU – MÙA CỦA NHỮNG GAM MÀU HOA CỎ
Nếu trước đây ta cảm thán về sắc xuân bạt ngàn hoa và cỏ thì chỉ cần một lần lạc bước Mộc Châu những ngày mùa thu chạm ngõ, ta mới biết được còn có một mùa hoa đẹp mơ màng không kém những ngày xuân.
Đẹp lạ kỳ chẳng kém những ngày xuân – Ảnh: Sưu tầm
Mộc Châu mùa thu như một bức họa thiên nhiên với đủ đầy những gam màu. Ấn tượng nhất phải kể đến những cánh đồng cải trắng bồng bềnh như mây, tinh khôi phủ kín một khung trời nơi miền biên viễn.
Những cánh đồng cải trắng bạt ngàn nơi miền biên viễn – Ảnh: Vũ Thanh
Cải trắng bạt ngàn trải dài theo sườn đồi, chạy xuống cả những thung lũng trập trùng rồi theo bước chân người về nơi bản làng xa ngái, bao quanh những con đường ta đã từng qua. Cải trắng như một biểu trưng của ngày thu trên đất Mộc Châu, đẹp dịu dàng e ấp, khiến tâm tình của con người ta cũng bình yên đến lạ, những muộn phiền giờ như gió thoảng mây bay.
Nơi người ta chợt thấy tâm tình nhẹ bẫng theo gió thoảng mây bay – Ảnh: Thắng Nguyễn
Và rồi trên tấm thảm trắng của loài cải bình dị ấy, người ta lại thấy ngấp nghé những bông trạng nguyên mang sắc màu rực đỏ. Hoa nổi bật giữa sóng mây bồng bềnh, mang đến cho trời thu Mộc Châu một vẻ đẹp thật lạ lẫm, pha chút âm hưởng nồng nàn của sức sống, của đức tin và niềm vui đoàn tụ.
Trạng nguyên hé nở mang tới những gam màu thật lạ cho mùa thu ở Mộc Châu – Ảnh: Sưu tầm
Trạng nguyên nở xen kẻ giữa ruộng cải trắng mênh mang, rồi tràn xuống cả những bản làng, nổi bật bên căn nhà mái tranh đơn sơ nơi triền núi. Nhìn những bông hoa đang khoe sắc, người ta lại chợt nhớ đến lời ví von rằng trạng nguyên như tâm hồn của người con gái Thái, Mông, Dao, tràn trề nhựa sống, nhưng lại ẩn chứa bao điều bí ẩn.
Loài hoa mang vẻ đẹp bí ẩn như tâm hồn người con gái Thái, Mông, Dao – Ảnh: Sưu tầm
Không chỉ có những con đường hoa trạng nguyên đỏ thắm mà trên hành trình khám phá cái xứ Mộc Châu những ngày mùa thu gió nhẹ, người lữ khách còn bị hớp hồn bởi những sắc vàng của dã quỳ. Dã quỳ nở bên nương, dã quỳ bao quanh những cánh đồng cải trắng rồi xen vào những đồi chè xanh mơn mởn, lạc cả vào sân nhà nơi bản làng hoang hoải.
Dã quỳ nở rộ nơi những bản làng xa ngái – Ảnh: Sưu tầm
Cái loài hoa bình dị, mang vẻ đẹp đầy hoang dã ấy cứ mãnh liệt vươn lên giữa muôn vàn khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc như chính cái sức sống muôn đời bất diệt của những người đồng bào dân tộc nơi miền núi xa xôi.
Dã quỳ vươn lên như sức sống mãnh liệt của những con người vùng Tây Bắc – Ảnh: Sưu tầm
MỘC CHÂU MÙA THU – XANH MƠN MỞN NHỮNG ĐỒI CHÈ VỪA CHỚM
Khoảng tháng 11 là lúc những đồi chè lại bắt đầu vào vụ, mởn mởn màu xanh của những nhành non. Những thân chè trơ trọi cành khô những ngày tháng trước bỗng đâm chồi nở lộc, vươn lên trong cái tiết trời dịu mát của ngày thu tạo nên những ngọn đồi xanh ngắt một màu, uốn lượn vòng quanh trên mảnh đất cao nguyên.
Những đồi chè mơn mởn ôm trọm mảnh đất cao nguyên – Ảnh: Nguyen Cuong
Nhìn từ trên cao, người ta chợt ngỡ ngàng với một khung trời ngập tràn trong sắc xanh tươi ấy, những đồi chè cao thấp phủ kín những nông trường, phô bày cái vẻ đẹp giản đơn nhưng khiến bất kỳ ai đã đến một lần rồi nhớ mãi, cứ mong lại được lang thang trên những con đường đất đỏ vòng vèo qua những những nương chè trải dài tít tắp, vươn tay chạm vào những hoa chè trắng muốt đang ngại ngùng trốn sau những bờ áo xanh nơi thung lũng.
Bóng dáng ai giữa sắc xanh bạt ngàn nơi rừng núi – Ảnh: Binh Le
Lên Mộc Châu mùa thu là người ta lại tự dặn mình phải ghé thăm những đồi chè hình trái tim ở khu Đài Loan, ngay trên đường vào Ngũ Động Bản Ôn, rồi tìm về đồi chè Tân Lập – Mộc Sương để thưởng ngoạn cho hết vẻ đẹp mộng mơ đất trời, để mở căng lồng ngực hít hà chút hương chè ngào ngạt đang vẩn vương trong gió, lưu lại chút thơ tình trên làn tóc mai đang nhẹ tung bay trong những cơn gió nhẹ.
Vương chút thơ tình giữa làn gió nhẹ thoáng bay – Ảnh: Lê Thanh Sơn
Thong dong giữa những đồi chè xanh mởn mởn là thong dong vào một khung trời thanh bình, nơi những xô bồ của cuộc sống thị thành chẳng thể nào vươn tới, chỉ còn mình ta với đất trời yên ả lúc thu sang.
NHỮNG KHOẢNH TRỜI THANH KHIẾT KHI MỘC CHÂU BƯỚC VÀO MÙA THU
Khi cái sắc nắng quá gắt, hương gió quá nồng của mùi hè qua đi là người ta lại nhớ rằng mình phải ghé Mộc Châu rồi. Có nơi nào mà trời thu lại đẹp diệu kỳ đến thế, có nơi nào mà ta cảm thấy mình đang đứng ở ranh giới của đất và trời, chỉ cần vươn tay là có thể chạm tới những mảng mây bồng bềnh trên bầu trời cao xanh dịu vợi.
Mộc Châu mùa thu như điểm giao hòa giữa đất và trời – Ảnh: Ha Nguyen
Lên Mộc Châu vào những ngày mùa thu gió nhẹ trời trong là lên với chốn thiên đường trong tâm tưởng, đón cái nắng dịu ngọt, hưởng chút gió trong veo, một không gian nhẹ nhàng mà khiến người ta dùng dằng không muốn bước.
Thu về mang đến những gam màu dịu ngọt – Ảnh: Ha Nguy
Còn gì tuyệt vời hơn một buổi sáng mùa thu, bước chân trên những con đường vòng vèo quanh bản, nhìn những làn sương bảng lãng vờn nơi sườn núi, thấy nắng đang ngập ngừng trêu chọc nàng mây, nhảy nhót qua những hàng cây xanh mướt rồi đậu lại trên màu áo sắc sỡ của những cô thiếu nữ rẻo cao.
Nắng đùa vui trên tà áo thổ cẩm rực rỡ sắc màu – Ảnh: The Nguyen
Nắng vương trên đôi mắt lúng liếng mùa thu của cô gái đang tuổi xuân thì, nắng vương trên khuôn mặt nhem nhuốc mà hồn nhiên của những đứa trẻ đang nô đùa bên vệ đường ngập tràn hoa cỏ, nắng lẫn của vào làn tóc mai của người mẹ địu con tất bật cho kịp buổi chợ phiên, nắng khiến cả không gian bừng lên những gam màu trữ tình mà ta chẳng thể gặp được ở bất kỳ nơi nào khác.
Nắng vương trên nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ thơ – Ảnh: BM_Gold
Và rồi khi ánh chiều buông xuống nơi thung lũng, khi làn khói lam chiều vương trên mái nhà của những bản làng xa, Mộc Châu lại mang một sắc màu khác, mạ mị đến lạ thường.
Khói lam chiều vương những mái nhà tranh – Ảnh: Caramen
Đến khi màn đêm phủ bóng, trong tiết trời se se lạnh, người ta lại nhẹ nhàng ngồi quây quần bên bếp rửa hồng, nhấm nháp chút rượu ngô mới ủ, lắng nghe những câu chuyện kể đời thường, và cảm chút lòng thành của những người dân bản địa chân chất hiền lành.
Hòa mình vào cuộc sống bình dị chốn xa xôi – Ảnh: Tấn Ngọc
Cảnh đẹp Mộc Châu
Mộc châu mùa thu cứ như thế đó, đẹp lạ nhưng phảng phất trong tất cả vẫn là phong vị của đời thường, khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy thân thương một màu hoa, màu nắng, và cả màu của tâm tình trên vùng đất rẻo cao. Thu đến rồi, nhanh lên thôi, xách hành trang lên đường tìm về một thiên đường Mộc Châu đẹp mơ màng, để cảm hết vẻ đẹp của thiên nhiên và cái tình ấm nồng của người dân bản địa.
Nguồn: Theo Dandelion – Mytour