Hà Giang – mảnh đất cao nguyên nơi địa đầu Tổ quốc không chỉ được biết đến với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những núi đá cao thật cao hay những lễ hội văn hóa độc đáo mà còn nổi tiếng với những món ăn đặc sản hấp dẫn có một không hai được làm nên từ chính những sản vật vốn có nơi đây.
Món bánh cuốn trứng ngon nổi tiếng – Ảnh: Dave Cook
1. BÁNH CUỐN TRỨNG HÀ GIANG – LỰA CHỌN TUYỆT VỜI CHO BỮA SÁNG CỦA BẠN
Được xem là một trong những đặc sản nơi miền đá lạnh Hà Giang, bánh cuốn trứng đã trở thành món ăn không thể thiếu trong thực đơn mỗi sáng của du khách khi đến với mảnh đất này. Trong cái tiết trời se se lạnh trên cao nguyên đá hùng vĩ, chính món bánh cuốn lạnh hấp dẫn bên chén nước dùng nóng hổi, thơm ngon đã làm ấm lòng biết bao thực khách phương xa mỗi khi có dịp tới đây.
Nếu như bánh cuốn ở miền xuôi chỉ là những thớ bánh ăn chung với ít hành và chấm cùng bát nước chấm hỗn hợp thì bánh cuốn trứng Hà Giang lại đặc biệt hơn rất nhiều. Bánh cuốn ở đây khi tráng trên bếp sẽ được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bánh trắng ngần ấy gói lại. Khi ăn, thực khách sẽ được ăn kèm với bát nước lèo nóng hổi thả giò trắng bên trong, rắc thêm một ít hành lá, mùi hương thơm phức lan tỏa khiến cho bất cứ ai đi qua đều muốn dừng chân, ghé vào thưởng thức.
Đặc sản bánh cuốn trứng Hà Giang – Ảnh: sưu tầm
Ngồi vào bất kì một quán bánh cuốn nào ở Hà Giang, bạn đều có thể bắt gặp hình ảnh các cô bán hàng đang bận rộn tráng bánh cho khách. Đôi tay nhanh nhẹn đổ những gáo bột láng lên nền vải rồi đậy vung lại. Khi lớp bánh chín, cô lại nhanh tay bỏ nhân bánh lên rồi dùng chính lớp bánh ấy để bọc nó lại.
Du khách chăm chú ngắm nhìn những cô bán hàng tráng bánh – Ảnh: Tess Bright
Bánh cuốn trứng Hà Giang có hương vị rất ngon và độc đáo, lòng đỏ trứng béo ngậy được bọc bên ngoài bằng một lớp bánh dai dai pha vị xốp đặc trưng của lòng trắng trứng. Dùng đũa khéo lật mép bánh sẽ thấy lòng đào sánh ngậy chảy ra. Lúc này phải ăn ngay, nhanh tay chấm miếng bánh vào nước mắm nóng hổi, đưa lên miệng thưởng thức miếng bánh tan dần ra hòa cùng vị đậm đà của nước chấm, mùi vị đó sẽ khiến ta nhớ mãi không quên. Và nếu có dịp đến Hà Giang, bạn nhất định phải thưởng thức món này nhé!
2. CHÁO ẤU TẨU – MÓN ĂN ĐỘC ĐÁO CỦA MIỀN CAO
Ở Hà Giang có nhiều món ăn độc đáo khiến du khách đã một lần tới đó đều không thể nào quên được. Cháo ấu tẩu (hay còn gọi là cháo đắng) là một loại ẩm thực như thế. Được làm từ nguyên liệu chính là củ ấu tẩu – một loại củ có độc tính cực mạnh, thường có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Nếu ăn trực tiếp củ ấu tẩu sẽ dẫn đến tử vong, tuy nhiên dưới bàn tay chế biến tài tình của đồng bào nơi đây, nó lại trở thành một món ăn bổ dưỡng, có ích cho sức khỏe.
Củ ấu tẩu còn có tên gọi khác là ô đầu và phụ tử, được liệt vào hàng thứ 4 trong bốn loại dược liệu quý “sâm, nhung, quế, phụ” – Ảnh: sưu tầm
Để nấu được một bát cháo ấu tẩu ngon quả thật không đơn giản chút nào. Củ ấu tẩu phải được ngâm kĩ trong nước vo gạo đặc một đêm rồi đem hầm trong vòng 4 tiếng. Gạo dùng để nấu cháo phải là loại gạo nếp cái hoa vàng, trộn với gạo tẻ thơm, nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu sau đó cho thêm chút thịt nạc băm nhỏ và chút gia vị. Có như thế mới ra được món cháo ngon hoàn hảo. Khi ăn, cháo ấu tẩu có vị đắng nên nhiều người còn gọi đây là cháo đắng.
Những bát cháo ấu tẩu được chuẩn bị để đem lên cho khách – Ảnh: sưu tầm
Đêm mùa đông lạnh lạnh, lang thang ở thị xã Hà Giang, ghé vào một quán nhỏ bên đường và gọi bát cháo ấu tẩu. Đủ các cung bậc mùi vị như ùa về: hương thơm lôi cuốn của gạo nếp nấu nhuyễn, vị bùi của của củ ấu được ninh kĩ và nước chân giò hầm béo ngậy, rắc thêm một ít rau thơm lên trên. Tất cả như quyện vào nhau tạo nên món ăn vô cùng đặc sắc của mảnh đất vùng rẻo cao Đông Bắc này.
Đặc sản cháo ấu tẩu của Hà Giang – Ảnh: sưu tầm
Cháo đắng ở Hà Giang mùa nào cũng có nhưng đặc biệt chỉ được bán vào buổi đêm. Mùa đông lạnh giá ở miền núi được ngồi trong hàng quán ấm áp bên bếp lửa hồng và thưởng thức món cháo ấu tẩu cũng là một nét thú vị trong lối ăn chơi đối với những người yêu thích sự mới lạ.
3. THẮNG CỐ HÀ GIANG – ĐƯỢM HƯƠNG PHỐ NÚI
Nếu ai đã một lần lên các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt là những huyện vùng cao ở Hà Giang, chắc hẳn đều rất ấn tượng với thắng cố – một trong những món ăn đặc sản của bà con nơi đây.
Thắng cố – đặc sản độc đáo của Hà Giang – Ảnh: sưu tầm
Nguyên liệu dùng để làm món thắng cố thường là thịt ngựa, thịt bò, gần như tất cả các phần của chúng đều được sử dụng làm món thắng cố. Thịt được cắt thành những miếng nhỏ, cho tất cả vào một chiếc chảo lớn được bắc lên bếp củi cùng một chút hương liệu rồi đun sôi. Ấy thế là có món thắng cố nghi ngút, thơm lừng…
Món thắng cố nóng hổi, hấp dẫn – Ảnh: sưu tầm
Với đồng bào dân tộc vùng cao, đặc biệt là người Mông, thắng cố là món ăn không thể thiếu mỗi dịp xuống chợ. Mùi hương thơm lừng của thảo quả, hạt dổi và củ sả, quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh. Đàn ông Mông đi chợ Đồng Văn đều mong được ăn bát thắng cố, uống vài bát rượu ngô với bạn bè. Người ta quan niệm ai có nhiều bạn bè thì người ấy mới được mời nhiều rượu. Người nào say rượu khi đi chợ về được xem là người tốt phúc mới có nhiều bạn.
Thắng cố là món ăn không thể thiếu của người dân nơi đây mỗi dịp xuống chợ – Ảnh: Hoàng Huy
Người ta thường nói rằng: “Ai đến Hà Giang mà chưa thưởng thức món thắng cố, nhấp chén rượu ngô, thì quả thật chưa tận hết cái đặc sắc văn hóa, của đất và tình người nơi mảnh đất rẻo cao hùng vĩ này.” Còn bạn, bạn đã được thưởng thức món ăn độc đáo này chưa? Hãy thử ngay khi có dịp đến Hà Giang nhé!
4. CƠM LAM BẮC MÊ – ẤM TÌNH NGƯỜI VÙNG CAO
Nếu Hà Giang là một vùng đất phì nhiêu với những loại gạo nếp thơm ngon nổi tiếng thì cơm lam Bắc Mê lại chính là một trong những đặc sản tinh túy được chế bến từ những hạt ngọc của đất trời ấy. Đã từ lâu nay, cơm lam Bắc Mê được xem là món ăn yêu thích của du khách mỗi khi có dịp ghé thăm cao nguyên đá hùng vĩ này.
Cơm lam Bắc Mê – món ngon được làm nên từ hạt ngọc của đất trời – Ảnh: sưu tầm
Để làm món cơm lam Bắc Mê khá dễ, công đoạn đơn giản và cũng không hề tốn kém. Người dân thường chọn nguyên liệu là loại gạo nếp ngon nhất được trồng trên nương, được đem về ngâm kỹ, vo sạch và rắc thêm chút muối. Ống tre, nứa là những ống được dùng để nấu cơm. Sau khi lấy được những thân tre, trúc, nứa tư trên núi mang về, người ta sẽ chặt bỏ một đầu, đổ gạo nếp vào ống tre rồi đổ nước vào vừa tới lớp gạo trên cùng, sau đó lấy lá chuối, lá dong làm nút và nút chặt lại một đầu.
Sau khi đổ gạo và nước vào người dân sẽ dùng lá chuối hoặc lá dong nút chặt đầu còn lại – Ảnh: sưu tầm
Sau khi đã hoàn tất những công đoạn trên, cơm lam được đốt trên bếp than hồng, vừa đốt vừa xoay tròn từ từ cho nhiệt tác dụng đều lên xung quanh vỏ ống, cứ như vậy trong khoảng 1 giờ, khi đầu ống tỏa ra hương thơm lừng cũng là lúc cơm đã chín và ngon. Trước khi ăn, người ta dùng dao chẻ bỏ lớp bên ngoài của ống tre (lúc này đã cháy đen), sau đó tước nốt lớp vỏ trắng trong cùng. Khi thưởng thức, cơm lam có mùi vị thơm phức quyện với mùi của lá dong, lá chuối nướng hấp dẫn. Thông thường, những người dân nơi đây thường ăn cơm lam với muối lạc, muối vừng hay cá suối nướng sẽ khiến cho món ăn thơm và bùi hơn.
Cơm lam được nướng trên bếp than hồng – Ảnh: sưu tầm
Cơm lam Bắc Mê từ lâu đã được xem là món ăn nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước. Sẽ thật là đáng tiếc nếu đến Hà Giang mà không được thưởng thức món cơm lam thơm ngon, bình dị mà ấm áp nghĩa tình của người dân trên mảnh đất cao nguyên đại ngàn này.
5. RÊU NƯỚNG – MÓN ĂN LẠ MÀ NGON CỦA NGƯỜI TÀY
Lâu nay, rêu đá chỉ được coi là một loại thủy sinh không nhiều tác dụng. Nhưng đối với người dân tộc Tày ở xã Xuân Giang tỉnh Hà Giang thì rêu đá lại được coi là món ăn đặc sản trong nét ẩm thực của họ. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ lại có hương vị rất riêng.
Rêu đá được xem là đặc sản trong nét ẩm thực của người Tày – Ảnh: sưu tầm
Theo kinh nghiệm của người Tày, khi đi tìm rêu họ thường chọn những bãi rêu lớn bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu ăn được thường có theo mùa, bởi vậy đối với bà con nơi đây rêu còn được coi là một món ăn quý. Rêu tươi đem về được vò đập thật kĩ cho sạch nhớt phù sa sau đó có thể chế biến thành nhiều món ngon như: rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là rêu nướng.
Rêu được trộn cùng các loại gia vị rồi đem nướng – Ảnh: sưu tầm
Các món ăn từ rêu còn được gọi là quẹ. Người Tày thường có câu “Quẹ chí áp, táp chí hơ”, có nghĩa là nướng quẹ phải áp vào than, nước ngọt và thơm của nó chưa kịp rớt xuống thì quẹ đã chín, khi nướng, không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên sau đó nướng tiếp bên còn lại. Vì rêu ăn được theo mùa nên ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ khách quý mới được đãi món rêu khô gác bếp. Rêu nướng không chỉ là món ăn được người đồng bào yêu thích mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giúp giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng sức đề kháng.
6. XÔI NGŨ SẮC – NÉT ĐẸP TRONG VĂN HÓA ẨM THỰC VÙNG CAO
Cộng đồng các dân tộc phía bắc sở hữu một nền văn hóa ẩm thực vô cùng đa dạng và độc đáo. Trong đó xôi ngũ sắc hội tụ được những giá trị truyền thống mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩ nhân sinh cao đẹp. Khác với các loại xôi thông thường, xôi ngũ sắc là sự kết hợp của năm loại xôi với năm màu sắc khác nhau. Đó là màu đỏ, màu vàng, màu xanh, màu tím và màu trắng. Đến bất kì chợ phiên nào ở Hà Giang, ta cũng dễ dàng kiếm được món xôi ngon, đẹp mắt này.
Xôi ngũ sắc là món ăn quan trọng không thể thiếu của hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang – Ảnh: binh hu
Xôi ngũ sắc được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng, lúc chín dậy mùi thơm dịu, hạt xôi mềm, dẻo, bắt mắt với năm màu sắc sặc sỡ tượng trưng cho ngũ hành. Màu trắng là màu nguyên thủy của nếp,những màu khác được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và của cây rừng. Màu đỏ lấy từ quả gấc hoặc lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng lấy từ củ nghệ dã lấy nước, màu tím dùng từ lá cơm đen hoặc lá cây sau.
Sự khéo léo của người dân nơi đây đã tạo nên một món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn hòa hợp với âm dương ngũ hành – Ảnh: sưu tầm
Vào những ngày lễ tết, trên mâm cỗ của bà con dân tộc (đặc biệt là dân tộc Tày) không thể thiếu món xôi ngũ sắc mang lại những may mắn tốt lành. Xôi ngũ sắc mang đặc trưng hương vị của cỏ cây, không chỉ là sản vật hội tụ những tinh hoa, giá trị văn hóa truyền thống lâu đời mà còn thể hiện sự đảm đang, khéo léo của những người phụ nữ dân tộc thiểu số trên cao nguyên đá Hà Giang.
7. BÁNH THẮNG DỀN ĐỒNG VĂN – ẤM LÒNG DU KHÁCH NGÀY ĐÔNG
Trên cao nguyên đá hùng vĩ, thắng dền được xem là món bánh ăn chơi mùa đông, vì vậy hàng năm, khi những cơn gió lạnh ùa về cũng là lúc người ta bắt đầu những công đoạn làm bánh. Thoạt nhìn, thắng dền trông giống với bánh trôi tàu của Hà Nội, bánh cống phù ở Lạng Sơn nhưng lại có cách chế biến và hương vị thơm ngon khác biệt.
Những viên bánh thắng dền thoạt nhìn trông giống với bánh trôi tàu của Hà Nội hay bánh cống phù ở Lạng Sơn – Ảnh: sưu tầm
Mỗi viên bánh thắng dền được nặn tròn, to bằng đầu ngón tay cái, có nhân đỗ hoặc không nhân, sau đó cho vào nồi nước dùng luộc. Đến khi bánh chín, nổi lên sẽ được chủ quán dùng thìa vớt ra. Thắng dền ngon hay không quan trọng là ở nước dùng, được pha bởi hỗn hợp ngọt ngào của đường hoa mai, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng. Có thể rắc thêm vừng hoặc lạc cho món ăn thêm bùi. Khách ăn thường bỏ một, hai viên thắng dền vào miệng, nhân nha cho từng hương vị tan ra nơi đầu lưỡi, vị ngon đến khó cưỡng.
Thắng dền – một trong những đặc sản ngon nhất ở Hà Giang – Ảnh: sưu tầm
Lên Đồng Văn giữa những ngày đông giá lạnh, được ngồi bên bếp lửa thưởng thức bát thắng dền nóng hổi, râm ran vài ba câu chuyện vui đùa với bác chủ quán sẽ khiến lòng ta như ấm lại, cái giá lạnh như được xua tan. Chỉ còn lại tình người ấp áp tràn ngập trong khắp không gian này.
8. LẠP XƯỞNG GÁC BẾP – ĐẬM ĐÀ HƯƠNG VỊ VÙNG CAO
Lạp xưởng gác bếp là món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc các tỉnh phía Bắc, có rất nhiều nơi làm món lạp xưởng này, mỗi nơi một hương vị khác nhau nhưng ngon nhất, đậm đà nhất phải kể đến lạp xưởng gác bếp ở Hà Giang.
Lạp xưởng gác bếp Hà Giang là đặc sản được rất nhiều du khách ưa thích và lựa chọn đem về làm quà – Ảnh: sưu tầm
Để làm nhân lạp xưởng, người ta chọn loại thịt nửa nạc nửa mỡ. Bởi nạc nhiều, lạp xưởng sẽ khô, sác còn mỡ nhiều thì lạp xưởng sẽ nhão, ăn mau ngấy nên loại thích hợp nhất để làm lạp xưởng là thịt vai. Thịt được lạng bỏ lớp bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, bột ngọt. Và không thể thiếu một ít rượu trắng, một ít nước gừng và một ít mắc mật khô xay nhỏ ướp cùng. Theo kinh nghiệm của đồng bào nơi đây thì ướp thịt với rượu trắng và nước gừng như vậy sẽ khiến cho lạp xưởng có mùi thơm rất đặc trưng, để được lâu mà không bị hỏng.
Lạp xưởng sau khi nhồi xong sẽ được đem treo lên bếp, hơi ấm của bếp sẽ làm lạp xưởng se lại, săn chắc – Ảnh: sưu tầm
Lạp xưởng khi đã khô thì để nguyên cả khúc đem chiên cho chín sau đó mới thái lát, khi ăn chấm với mắm gừng. Hoặc thái lạp xưởng thành các khoanh dầy vừa phải, chờ cho mỡ trong chảo nóng già thì cho lạp xưởng vào đảo lên rưới thêm ít nước mắm, rắc thêm chút hành tươi. Đĩa lạp xưởng thơm phức, mới trông đã thấy thèm. Do đó, vào những ngày tết, dù có rất nhiều món ngon nhưng lạp xưởng vẫn là món được mọi người đụng đũa nhiều hơn cả.
Lạp xưởng – món ngon khó cưỡng – Ảnh: sưu tầm
Xúc xích lạp xưởng Hà Giang
Lạp xưởng gác bếp – đặc sản của Hà Giang mang đậm hương vị nắng vùng cao, với mùi thơm của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau ăn thật ngon miệng. Đây cũng chính là lý do vì sao món ăn này trở thành một phần không thể thiếu trong hành lý khi ra về của các du khách gần xa khi tới cao nguyên đá hùng vĩ này.
Khi đặt chân tới đâu, ta đều không quên tìm hiểu và thưởng thức món ăn ngon đặc sản của vùng đất đó. Hà Giang cũng không phải ngoại lệ, bởi nơi đây tập trung rất nhiều những sản vật tự nhiên hấp dẫn mà không nơi nào có được, những sản phẩm từ thiên nhiên qua bàn tay của đồng bào dân tộc vùng cao đã trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống của họ và cũng là nét độc đáo thu hút biết bao du khách đến với mảnh đất này. Tháng chín, tháng mười hàng năm cũng là lúc những cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn đang bắt đầu hé nở. Một chuyến phượt dài kết hợp giữa ngắm hoa và thưởng thức những món ăn ngon, đậm hương phố núi trên cao nguyên đại ngàn sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị đấy nhé!
Nguồn: Theo Hà Nguyễn (Mytour.vn)