Ngoài vải thiều, các loại bánh đa, đậu xanh, gai cũng được xem là linh hồn của vùng đất này.
Vải thiều
Là loại quả nổi tiếng của Hải Dương, vải thiều đặc biệt gắn liền với vùng quê Thanh Hà. Từng quả có kích thước nhỏ, chỉ nặng 18-20g và không quá khó để nhận biết.
Phần cùi của vải thiều nơi đây trắng dày, ngọt với hương thơm đặc biệt. Giữa cùi và hạt không có lớp màng mỏng màu nâu, vị chát như các loại khác. Ngoài những trái tươi, teen còn có lựa chọn khác như vải thiều sấy khô, mứt và thậm chí cả giấm vải.
Bánh đậu xanh
Nhắc đến Hải Dương, phần lớn teen đều nghĩ về bánh đậu xanh. Món này ra đời vào đầu thế kỷ 20 và dù không có vẻ ngoài bắt mắt, hương vị thơm ngon đặc trưng của bánh đậu xanh vẫn níu giữ sự quan tâm nhiều lữ khách.
Nguyên liệu làm món này gồm đậu xanh, đường kính, mỡ lợn và dầu hoa bưởi. Người làm giàu kinh nghiệm thường chọn đậu xanh loại mỏng vỏ, phơi khô, rang chín vàng sau đó mới xay thành bột mịn.
Còn mỡ lợn rán nhỏ lửa để không bị cháy, sau đó lọc và chỉ lấy phần trong suốt. Đường kính hòa nước, cũng tiếp tục lọc sạch. Ba nguyên liệu này cùng tinh dầu hoa bưởi trộn cùng nhau. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thợ bánh phải tính toán thật khéo léo theo tỷ lệ hợp lý mới ra những chiếc bánh thơm ngon.
Thành phẩm thường được đóng thành 10 miếng nhỏ xếp vuông vức hai hàng.
Bánh gai
Xuất hiện tại Hải Dương từ thế kỷ 12, bánh gai nhanh chóng nổi tiếng khắp xa gần và tồn tại đến ngày nay. Đây là món bánh giản dị, được làm từ những nguyên liệu ruộng vườn nhưng vẫn khiến teen nhớ mãi.
Nguyên liệu bánh gai chia thành hai phần gồm vỏ và nhân. Trong đó, vỏ chỉ gồm gạo nếp và lá gai còn phần nhân có mỡ lợn, đậu xanh, dừa và hạt sen.
Cách chế biến cầu kỳ nhất ở phần nhân. Trong đó, mỡ lợn được ướp đường sao cho giòn như mứt bí. Hạt sen, đậu xanh ninh nhừ, tán nhuyễn và trộn cùng mỡ lợn, dừa tươi, đường.
Bánh gai được gói lá chuối khô, hấp chín trong vòng 2 giờ. Điều đặc biệt của món này nằm ở vị ngọt thanh tự nhiên, bùi ngậy hiếm nơi nào có.
Bún cá rô đồng
Để có bát bún ngon, người làm phải lựa những con cá thịt chắc, mềm và vị ngọt vừa vặn. Cá sau khi sơ chế, đem luộc rồi mới ướp gia vị, bột nghệ và xào cùng hành tỏi.
Một số nơi, phần thịt cá này còn được rán để không bị nát khi ăn cùng bún. Ngoài ra, nước dùng cũng là phần quan trọng, được tận dụng từ nước luộc cá có thả thêm cà chua, dứa… Một bát bún cá rô đồng thường ăn kèm rau muống hoặc cần, ngót… và một số rau gia vị khác như xà lách, hoa chuối.
Bánh đa
Không giống các món ăn được chế biến sẵn, bánh đa Hải Dương lại khô và chỉ được chế biến khi mua về. Đặc trưng ở Hải Dương là bánh đa mềm, dai, không bị nát khi ngâm lâu trong nước.
Để có những sợi bánh đa như vậy, người dân nơi đây tiết lộ chỉ sử dụng gạo Q5. Teen mua món đặc sản này về có thể chế biến thành nhiều món ngon như xào thịt lợn, nấu cùng cá, thịt gà…
Nguồn: wiki-travel.com.vn